Blog Tre Làng Phản Biện những vấn đề chính trị xã hội, chửi cái lũ phản động

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

MỘT ĐIỀU BÌNH THƯỜNG


Sớm đầu tuần, đọc một số bài viết trên báo mạng và cả FB tranh cãi về cậu chiến sĩ Trường Sa con của đại gia nọ ngành thép. Một số nhà báo ca ngợi, tô vẽ hình ảnh cậu thanh niên trẻ gạt bỏ cuộc sống danh gia vọng tộc để lên đường nhập ngũ... Một số khác phản biện cho rằng, bộ mặt thật đằng sau câu chuyện gia đình đại gia và quý tử có nhiều vết đen cần làm sáng tỏ...

Cá nhân mình không ủng hộ phương án nào. Mình không quan tâm đại gia nọ giàu cỡ bao nhiêu và vì sao lại giàu? Mặc dù hôm ra Trường Sa lớn mình đã biết cậu chiến sĩ này, cậu ấy kể chỉ riêng mấy con gà đậu trên nóc nhà cậu ấy cũng chừng ngót 5 tỷ đồng... Cậu ấy khoe bố cậu ấy vừa đi tàu ra thăm, rằng tuần tới mẹ cậu ấy bay trực thăng ra tiếp tế... Cậu ấy cho khách đến chơi biết cả phân đội cậu ấy chỉ uống Chivas 18... Nói chung là có rất nhiều thứ để kể. Mình không chê trách gì, chỉ thấy có lẽ hơi buồn, trong khi nhiều cán bộ chiến sĩ đi đảo mấy chục năm trời, dăm ba cái Tết không được về nhà, chế độ ăn uống của bộ đội vẫn là 50% đồ hộp... Thế mà cậu ấy có những điều kiện để "cải thiện" hơn đồng đội quá. Hẳn rồi vì cậu ấy là con nhà giàu.

Nhà báo, bạn đọc ca ngợi cậu ấy như một thanh niên chí khí, anh hùng... Mình không cần biết chuyện thực sự lý do cậu ấy ra đảo làm chiến sĩ là gì? Mình chỉ nghĩ việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với một công dân đã được Hiến pháp và Luật quy đinh. Đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý nhưng cũng rất đỗi bình thường. Vậy sao một thanh niên đi bộ đội lại được tung hô? lại được ca ngợi như thần thánh ? Trong khi đó hàng triệu người lính khác họ vẫn đi rồi về, họ vẫn xa nhà, chiến đấu và cả hy sinh... mà lại không được PR trên báo? Hẳn rồi vì cậu ấy là con nhà giàu.

Phải chăng bấy lâu nay chúng ta cứ mặc định rằng, nghĩa vụ quân sự chỉ áp dụng đối với con nhà nghèo? Rằng chỉ có nhà nghèo mới cho con đi lính? Còn nhà giàu đương nhiên có quyền không thực hiện nghĩa vụ quân sự ? Vì vậy khi thấy một cậu quý tử nhà đại gia nọ ra đảo làm chiến sĩ, chưa cần biết là vì sao nhưng cứ phải là một điều phi thường, lớn lao, vĩ đại đã... Cá nhân mình trân trọng, cảm phục và đề cao mọi người lính, nhất là lính đảo. Đối với cậu thiếu gia nọ cũng vậy, rất đáng khen, đáng tự hào... Nhưng giá như báo chí đừng lố bịch tung hô cậu ấy thế... Cậu ấy chỉ đang làm một việc rất bình thường như hàng triệu thanh niên Việt Nam vẫn làm qua nhiều thế hệ để bảo vệ Đất nước này thôi. Chúng ta tô vẽ ảo tưởng biết đâu khiến cho cậu ấy lệch lạc, tự phụ và nghĩ rằng 15 tháng đảo xa của mình là thiên anh hùng ca ? Chúng ta hãy làm cho những người anh hùng trở nên bình dị và gần gũi hơn chứ đừng hóa thánh cho những việc rất đỗi thường tình. Lịch sử đã chứng minh có nhưng người hôm trước là anh hùng, hôm sau trở thành tội đồ... chỉ vì sự tâng bốc của dư luận, sự tô vẽ hào nhoáng của đám đông khiến cho họ mất đi bản ngã, và ngộ nhận về chính những giá trị mình đang có.

Có lẽ mọi người thắc mắc về bức hình này, tôi xin nói đây. Người đàn ông áo xanh trông hiền lành và khắc khổ kia là một người đạp xích lô ở bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Một người cha của một gia đình nghèo và có người con trai duy nhất là chiến sĩ ở Trường Sa vừa ngã xuống chưa đầy 2 tháng. Ngày cơ quan quân sự huyện cử người về báo tin, ông ấy đã khóc không thành lời, thậm chí còn đuổi đánh cán bộ vì không tin con mình chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về thì lại hy sinh... Phải chăng vì ông ấy nai lưng đạp xích lô mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng nên chẳng có báo nào viết bài ca ngợi gia đình ông ấy? Phải chăng vì ông ấy không phải đại gia, không có tỷ nọ tỷ kia, không thích lên là theo tàu ra thăm con, thuê trực thăng tiếp tế cho con được... nên chẳng ai để ý ? Mình trở về từ Trường Sa chưa đầy 2 tháng nhưng đã có 2 đồng đội hy sinh nằm lại với đại dương. Có chàng trai tuổi 19 chưa tròn, ước mơ trở về giúp đỡ cha mẹ ở quê nghèo không thể trở thành hiện thực... Có anh lính đã mấy năm gửi lời hẹn thế với cô gái ở hậu phương và mong đợi ít ngày nữa là được trở về tổ chức đám cưới thế rồi anh lỡ hẹn một kiếp người khi nằm lại đảo...

Mình biết có rất nhiều, rất nhiều sự mất mát và hy sinh nữa, lớn lao nhưng thầm lặng và bình dị vô cùng. Anh hùng ư, chí khí ư, tài năng ư, ... mọi thứ dù thế nào cũng sẽ càng trở nên tốt đẹp, cao quý hơn nếu nó được ngợi ca, tung hô đúng cách.

Bởi đơn giản là:

... Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước...

(Trích Trường ca Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)

© Giang Mèo (phóng viên báo QĐND)

Chi tiết:

MỘT ĐIỀU BÌNH THƯỜNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

1 nhận xét:

comment xây dựng Tre Làng Blog nhớ viết có dấu, có lịch sự