"Nếu ai đó mang 1.000 tỷ đi xây chùa vì sợ sau này chết bị quăng vào vạc dầu trong lúc anh em ruột thịt, hàng xóm láng giềng đang đói khát đau khổ cần sự trợ giúp mà anh ta không trợ giúp thì đấy không phải là sự tử tế"- nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc bàn tròn về chủ đề “Sống tử tế” với nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, phó tổng thư ký thứ nhất Hội nhà văn Á-Phi và thạc sỹ Lê Quang Bình, viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE.
Nhà báo Thu Hà: Tôi có một anh hàng xóm hay thịt lợn, thịt chó. Gần đây không thấy anh ấy làm thế nữa, tôi hỏi tại sao thì anh ấy kể, mới đi xem bói và ông thầy bảo nếu không dừng lại sau này sẽ gặp quả báo. Câu chuyện của anh đó khiến tôi nhớ lại báo chí từng đưa chuyện về các nhà hảo tâm ẩn danh, ẩn tích làm từ thiện như một bổn phận chia với những thân phận thiệt thòi và cũng báo chí cũng không ít lần công khai một số người khác từ thiện vì muốn được nổi tiếng hay vì lý do giống như anh hàng xóm nhà tôi. Theo các vị, có sự khác nhau giữa những hành động đó không?
Ông Nguyễn Quang Thiều: Trong cuộc sống, chỉ có duy nhất một tử tế thôi, không có 2 tử tế, 3 tử tế đâu. Nghĩa là tử tế của một lãnh đạo cũng ngang bằng sự tử tế của một người nông dân. Đây là thực tế chúng ta phải thừa nhận. Có những người bây giờ nghĩ việc mình là bé nhỏ quá, không nên làm….
Nghĩ như thế là không phải. Vì tử tế của một người có thể cứu một dân tộc. Công trạng là việc khác còn sự tử tế nó chỉ có một nghĩa là người ta làm điều tốt cho một người bên cạnh hoặc một cộng đồng rộng lớn của anh ta thì anh ta là tử tế.
Một người nuôi một đứa trẻ mồ côi, cũng tử tế như một người bỏ tiền ra nuôi một vạn đứa trẻ mồ côi.
Tôi quan niệm về sự tử tế chỉ đơn giản thế này: nếu ai đó mang 1.000 tỷ đi xây chùa vì sợ sau này chết bị quăng vào vạc dầu trong lúc anh em ruột thịt, hàng xóm láng giềng đang đói khát đau khổ cần sự trợ giúp mà anh ta không trợ giúp thì đấy không phải là sự tử tế.
Các cụ nói vẫn đề cao việc “tu tại gia”, ý là con người phải biết yêu thương, biết chia sẻ, có lòng nhân ái và bao dung với những người ở ngay cạnh chúng ta chứ không phải anh ta chỉ tìm cách nhân ái với toàn nhân loại.
Sự tử tế ở một góc nhỏ trong một ngôi làng bé ngang bằng với sự tử tế của mẹ Teresa hay của Bill Gates. Đừng tưởng một người chăm chút một cây non trong một góc rừng xa xôi không quan trọng bằng một người làm sạch toàn bộ thành phố.
Ông Lê Quang Bình: Điều chị Hà đề cập chính là động cơ để chúng ta quyết định có thực hiện hành vi tử tế hay không.
"Việc ai đó bớt nghĩ đến bản thân để nghĩ rộng hơn cho người khác thì đó là sự tử tế"
Có thể người hàng xóm của chị dừng việc thịt chó, thịt lợn vì anh ấy đã ngộ ra việc lâu nay mình sát sinh sau này có thể bị quả báo. Động cơ của anh ta khi đó mặc dù chỉ vì bản thân anh ta nhưng được chấp nhận, vì hành vi đó không gây hại cho ai.
Tôi quay lại cái gọi là lòng vị tha mà chúng ta bàn trong kỳ 1. Trong mỗi người đều có năng lực để tư duy và hành động theo mong muốn của người khác. Việc ai đó không chỉ nghĩ đến bản thân mà nghĩ rộng hơn cho người khác thì đó là sự tử tế.
Để có được hành vi như vậy, mấu chốt vẫn nằm ở môi trường giáo dục (gia đình – nhà trường – xã hội). Làm sao chúng ta có thể tạo ra một môi trường để từng cá nhân, từng con người học hỏi và rèn luyện nên những giá trị đó, làm sao để trong xã hội ngày càng có nhiều hơn lòng trắc ẩn, có nhiều hơn những người biết bao dung. Khi nhiều người cùng làm được như vậy tự khắc sự tử tế sẽ quay trở lại với xã hội chúng ta.
Ông Nguyễn Quang Thiều: Vừa rồi có một chương trình của Bộ văn hoá thể thao và du lịch tổ chức rất xúc động là “kêu gọi mỗi gia đình hãy tạo dựng một bữa cơm thân mật và yêu thương” tôi cho rằng điều này vô cùng nhỏ nhưng hệ trọng vô cùng.
Một trong những điều kỳ diệu trong các bữa ăn, đặc biệt bữa ăn tối trong mỗi gia đình sẽ tạo ra sự gắn kết các thành viên sống trong gia đình đó. Đó là lúc để mọi người chia sẻ cảm xúc, chia sẻ vui buồn và cùng học hỏi lẫn nhau.
Tại bữa ăn tối, thông qua ẩm thực, ông bà, cha mẹ, anh chị, con cái có thể truyền tải qua đó một sự giáo dục rất tinh tế. Tôi thường kể cho các con tôi nghe và người cùng ăn nghe những câu chuyện về cuộc đời, về cuộc sống.
Trong những bữa ăn đó, không chỉ là ẩm thực, ở đó còn chứa đựng các câu chuyện ký ức, lịch sử và chứa đựng cả hình bóng những người thân yêu đã khuất trong gia đình liên quan đến món ăn. Trong các bữa ăn ở gia đình, tôi vẫn thường kể cho người cùng ăn về món bánh khúc của bà nội tôi, món canh hến của mẹ tôi…
Trong một dịp nói chuyện với sinh viên, họ hỏi tôi rằng hãy nói cho anh ta về một bí mật quan trọng trong cuộc đời có thể đưa anh ấy đến hạnh phúc. Tôi trả lời bạn ấy thế này: Tôi mách các bạn một bí mật mà tôi chưa nói với ai cả. Đó là, “hãy sống với bố mẹ mình càng nhiều thời gian càng tốt”.
Thế hệ trẻ ngày nay muốn sống độc lập. Tính độc lập và sự gắn kết với cha mẹ ông bà là việc khác hoàn toàn. Độc lập không có nghĩa phải rời cha mẹ, rời ông bà. Tôi đã sống trong nhiều gia đình phương tây, tôi đã quan sát họ, hỏi họ và nhận ra bí mật của họ cũng là “hãy sống với ông bà, cha mẹ càng nhiều thời gian càng tốt”. Điều trước nhất của mỗi con người là hãy tạo ra một gia đình tử tế, rồi cùng nhau tạo ra một xã hội tử tế.
Nhà báo Thu Hà: Tôi không nhớ ai đó bảo rằng, “chỉ có súc vật thì mới quay lưng lại với cái nỗi đau khổ của con người để chăm lo cho bộ lông, bộ da của mình”. Vậy làm sao cho số người sẵn sàng làm các điều xấu ngày càng bớt dần đi trong môi trường xã hội đầy thực dụng ngày nay?
Ông Lê Quang Bình: Cá nhân tôi cho rằng con người sinh ra có cả hai đặc tính. Tuy nhiên, trong mỗi con người đều có mong muốn hướng thiện, mà ta gọi là thiện ý. Điều quan trọng làm sao khơi mở và phát huy được nó ra, làm nền tảng mỗi khi quyết định hành động.
Nhà báo Thu Hà: Làm sao để có thể vượt qua tính vị kỷ cá nhân?
Ông Lê Quang Bình: Để cho cái tôi hướng thiện trở thành sự thật và không chỉ dừng lại ở tiềm năng phụ thuộc và từng cá nhân và cá nhân đó lại phụ thuộc vào môi trường sống mà chúng ta đang có.
Nhân đây tôi rất muốn nhấn mạnh lại môi trường giáo dục. Làm sao phải xây dựng được môi trường để có thể tạo ra những con người biết tự chịu trách nhiệm, biết tự định hướng và làm chủ hành vi của mình.
Đọc thêm »
Hãy sống tử tế với mọi người để tâm mình thanh thản
Trả lờiXóaBạn nói rất chính xac
Xóa