Điều kỳ diệu đã đến…
Niềm vui vỡ òa khi nhận tin những đồng đội vẫn an toàn.
NDĐT - “Sống cả rồi! Sống cả rồi anh em ơi…!”. Tiếng reo mừng rõ to của anh Giản Viết Dũng, công nhân công ty Sông Đà 505, người tham gia cứu hộ các nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vang lên ấm nồng giữa đêm lạnh. Tôi nhìn quanh, mọi người đang ôm chầm lấy nhau, bởi điều kỳ diệu đã đến…
Đêm…
Đúng 19 giờ 30 phút, ngày 16-12, sau hơn 12 giờ vật lộn với các phương án cứu hộ, tin vui đã đến với những người ngóng trông, chờ đợi từng giây, từng phút phía ngoài miệng đường hầm thủy điện. Trong niềm xúc động trào dâng, Giản Viết Dũng nói với hơi thở dồn dập: “Tui đã nói chuyện được với nhiều người đang mắc kẹt bên trong. 12 người đều bình an cả. Vui sướng quá anh ơi!”. Nhiều người vây lấy Dũng chia sẻ niềm vui và hỏi dồn dập… Tôi nhìn sang, trên gương mặt của đại tá Hoàng Công Thạo, trưởng phòng cảnh sát PCCC, Công an Lâm Đồng, chỉ huy trưởng công tác cứu hộ đã tỏa niềm vui. Và ông bắt đầu công việc mới, triển khai phương án cứu nạn nhân ra khỏi đường hầm.
Trời vẫn lất phất những hạt mưa. Những hạt mưa hư không, những cơn gió ràn rạt, quất rát mặt người. Họ vẫn đứng đó, những cái ôm thật chặt, những đôi tay quấn quyện và những khuôn mặt nhẹ tênh… như vừa xua đi những u tối trong suy tư, sự trĩu nặng trong lòng. Đang ngồi lặng lẽ, co ro trong góc tối tại hiện trường, ông Đặng Hồng Chiến như choàng tỉnh, đứng phắt dậy nhảy lên chiếc xe chuyên dụng đang đưa lực lượng cứu hộ vào đường hầm…
Đứng cạnh tôi, chị Cao Thị Li, người dân Păng Tiêng, sống gần thủy điện thỏ thẻ: “Mừng quá chú hè. Rứa là…”. Tôi không nghe trọn câu nói của chị. Một chiếc xe máy khoan đặc dụng từ miệng hầm đi ra. Nhảy phắt xuống xe, tài xế Ngô Văn Xuân, công ty Sông Đà 10.6, nói ngay: “Tôi đã nói chuyện được với họ. Thế là yên tâm rồi. Trong đó vẫn có điện để giúp họ sưởi ấm qua đêm nay”. Đúng. Đêm nay, có lẽ là cái đêm lạnh nhất, hoặc là ấm nồng nhất của những người con từ tứ xứ miền quê mưu sinh ở vùng non cao trập trùng này, bởi họ vẫn bên nhau và được sưởi bằng hơi ấm tình người. Tôi chợt nghĩ, không biết trong 12 giờ bị “cô lập” ấy, họ nói với nhau những gì? Hoặc là những ước mơ còn dang dở, hoặc là những đứa con, người vợ, người chồng và người yêu, biết bao lời hò hẹn…
Ông Đặng Hồng Chiến chạy như băng ra khỏi đường hầm: “Tui đã nói chuyện với thằng Nam. Mọi người đều khỏe cả. Tui phải báo ngay cho gia đình…”. Rời quê nhà Thanh Chương (Nghệ An) vào tận vùng núi mưu sinh, trên khuôn mặt rám nắng, khắc khổ của người đàn ông ấy dường như dấu kín nếp nhăn, khi người em gái của ông, chị Đặng Thị Hồng Ngọc được “sống lại” với ông, với gia đình, với đứa con thơ đang ngong ngóng chờ mẹ.
Anh Phạm Viết Hiền, người may mắn thoát nạn trong ca thi công công trình (32 người) hôm nay, vẫn chưa hết thẫn thờ. Có thể, tin vui đến trong sự tuyệt vọng cực độ làm anh không kịp định thần. “Thế là thằng Lành (em trai) đã ở lại với tôi. Nó mới 20 tuổi… Ơn trời!” - Anh Hiền thỏ thẻ.
Mưa. Gió. Nhưng đêm Păng Tiêng đã trở nên ấm nồng. Những đôi chân đã thoăn thoắt, tiếng cười, nói đã trở về… Xong cuộc điện thoại về gia đình, ông Đặng Hồng Chiến kể: Ca bọn tôi bắt đầu vào làm lúc 6 giờ 30 phút, đến khoảng 7 giờ thì xảy ra sự cố. Tốp ngoài và tốp trong phút chốc bị ngăn cách bởi lớp đất đá dày hơn 30m, không nghe một tiếng động. Trời đất dường như đổ sụp, đen ngòm. 20 người thất thần chạy ra ngoài… “Đêm nay, những người con đa số ở vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định phải cùng nhau trải qua đêm kinh hoàng trong đó, không biết họ có lạnh không?” - Câu hỏi chưa có lời đáp của ông Chiến làm không gian cay nồng. Tôi nhìn quanh, những giọt nước mắt đã lăn trên má nhiều người…
Đến rạng sáng 17-12, trong đường hầm, tiếng máy khoan vẫn rền vang, xen lẫn tiếng anh em cứu hộ trao đổi phương án cứu người. Công tác tiếp tế lương thực, dưỡng khí, sữa, nước gừng… vẫn đang được triển khai khẩn trương. Những tiếng “lấy được chưa?” - “Rồi…” thoát ra từ đường hầm, không gian thêm nồng, thêm ấm.
Sáng…
Những cơn mưa rừng vẫn rây rắc. Không gian nặng trĩu, u ám. Những đôi mắt thẫn thờ của người chờ đợi, mong ngóng và những bước chân nhanh nhẹn của lực lượng cứu hộ, với hơn 100 người. Trước miệng đường hầm, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt chỉ đạo các lực lượng khẩn trương đưa ra phương án tối ưu để cứu người bị nạn. “Trước mắt, ưu tiên phương án bơm dưỡng khí vào trong, sau đó sẽ tập trung mọi giải pháp, mọi lực lượng và các phương tiện có thể để đưa các nạn nhân ra ngoài” - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói.
Đọc thêm »
Các anh đã sống, đây là niềm vui sướng tột đỉnh của mọi người dân Việt Nam
Trả lờiXóa