Thị phi hoa hậu, chuyện buồn nói mãi...
“Đã trở thành người của công chúng thì phải chấp nhận thị phi”, một cư dân mạng đã tuyên bố như vậy trước sự “ném đá tập thể” của cộng đồng với tân Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Ngẫm lại, đúng là đời làm hoa hậu sao mà sóng gió. Vẫn nhớ Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013 Nguyễn Ngọc Anh vừa đăng quang xong, còn chưa kịp khô giọt nước mắt hạnh phúc trong đêm chung kết, đã phải “chết đứng như Từ Hải” trước thông tin cô mua giải 1,5 tỷ đồng và cặp với “tiểu gia” nhà Trưởng BTC.
Vụ việc đến nay đã được làm rõ, những kẻ vu khống đã bị công an điều tra và đang chờ sự xử lý của pháp luật. Nhìn ra, thì cũng toàn người trong cuộc tung tin đồn: Những người đẹp không đạt giải, những nhà trang điểm có “gà” không lọt top của cuộc thi, những kẻ muốn hạ uy tín của BTC cuộc thi.
Vừa đăng quang, Hoa hậu và Á hậu 1 của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 đã kịp... dính thị phi.
Quay lại chuyện của Nguyễn Cao Kỳ Duyên, cô học sinh giỏi của trường chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định với bảng điểm đáng nể, khiến dân mạng không còn có thể nói “Hoa hậu đầu ngắn”, cô sinh viên khá xuất sắc của một trường nặng ký là Đại học Ngoại thương. Giả dụ như Kỳ Duyên xinh hơn, nhưng học kém (như một số hoa hậu trước đây), chắc chắn cô sẽ bị “soi mói” về trình độ. Giả dụ như cô có “phốt” gì về đạo đức, chắc chắn cô sẽ bị lên án là “không đủ tư cách đại diện cho cái đẹp”. Nhưng giờ, do cô học giỏi, do chưa tìm được “vết” gì của tân Hoa hậu, nên việc bị “soi” hướng hoàn toàn về nhan sắc của cô, rằng cô không xứng đáng là Hoa hậu, rằng các Á hậu đẹp hơn cô rất nhiều.
Biết rằng chiều lòng công chúng thì rất khó, nhưng cơn mưa những ngôn từ không đẹp đổ xuống đầu tân Hoa hậu ngay sau giờ phút đăng quang và rào rào hơn vào ngày hôm sau, rằng “hoa hậu hay cá sấu”, rằng “sau Nguyễn Cao Kỳ Duyên, giờ nói đến hoa hậu là nói đến người xấu”, rằng cô là “hàng nhái” của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên... Quả thật, với một cô bé 18 tuổi, đang chới với trên đỉnh vinh quang, thì những lời nói này rất ác nghiệt. Chính Kỳ Duyên cũng phải lên tiếng rằng rất đau lòng khi bị... chê xấu.
Kỳ Duyên không học dốt, không ăn chơi, mà là cô gái “quê mùa”, chân chất - nên không có gì để “bới móc”. Chê nhan sắc của cô mãi cũng “nhảm”, bởi dẫu gì ông bà ta cũng lại có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” - mà cô thì rõ là niềm tự hào về trình độ. Thế nên, chuyện bắt đầu xoay sang cô Á hậu Huyền My, người vừa được khen nức nở, khen tới mức lên mây về nhan sắc, rằng cô xinh đẹp và xứng đáng là Hoa hậu, rằng đó mới là nhan sắc của Hoa hậu. Phải gọi là 180 độ khi Huyền My từ chỗ được xót xa, tiếc nuối thay; trở thành “đối tượng” bị ném đá không thương tiếc: Nào là ăn chơi, chụp ảnh nhạy cảm, “tầm thường”, tham gia các hoạt động người mẫu từ khi mới 14 tuổi, nào là điểm thi tốt nghiệp chỉ có hơn 30 điểm, thấp kỷ lục... Thậm chí, có trang mạng còn viết hẳn một bài phân tích về các lý do để Huyền My không thể là Hoa hậu dù xinh đẹp. Hiện tại, Huyền My đang phải giải trình với BTC về những tấm ảnh “nhạy cảm” mà cộng đồng mạng “bới” lên.
Chưa hết, sau Kỳ Duyên, Huyền My, là đến thí sinh Huỳnh Hồng Khai, SBD 318... bị đào bới tơi tả vì có “biểu hiện lạ” (được cho là bĩu môi), khi tân Hoa hậu đăng quang. Huỳnh Hồng Khai đã phải khốn khổ thanh minh là mình đang bị ốm, vì vậy mặt không được vui khi lên sân khấu.
Điểm lại những chuyện gọi là thị phi này, mới thấy sao mà buồn thấm thía. Buồn cho cái gọi là “hội đồng” của những người thiếu tâm ý, nếu không nói là ác ý và thậm chí là có “dã tâm”. Nếu những nhận xét, phân tích, đánh giá là nhằm mục tiêu cho cuộc thi tốt đẹp hơn, nhằm hoàn thiện hơn cho các hoa hậu, người đẹp của chúng ta; thì đó là những đóng góp tích cực.
Nhưng ở đây, sự vội vàng khi đưa ra kết luận, sự “bới móc” những điều chưa có căn cứ, thậm chí là “dựng chuyện” với ác ý thể hiện rõ trong từng câu chuyện; đã cho thấy một cách ứng xử mang tính “hội đồng”, thiếu nhân văn của những người tham dự. Nói cho “đã mồm” không cần biết tới hậu quả ra sao, a dua để tỏ ra mình không hề “lạc hậu”, vô công rồi nghề nên với được “cái phao” để nổi là phải nổi cho “hết mình”. Vẫn nhớ tới câu nói xót xa của một thành viên BTC cuộc thi nọ: “Hãy thử nghĩ nếu đó là con, em mình; bị ném đá, bị vùi dập như thế, bạn sẽ cảm thấy thế nào”.
Hãy làm như thế trước khi định nói gì, bàn gì. Độ lượng với người cũng chính là độ lượng với mình. Truyền thống của dân ta lâu nay vẫn là “đùm bọc” mà và chúng ta đâu có thể cao lên nhờ chà đạp người khác.
T.Anh/Báo Tin Tức
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
comment xây dựng Tre Làng Blog nhớ viết có dấu, có lịch sự