“Hiệu ứng Thành Lộc” là bước đầu...
TT - Ở các nước phát triển như Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Singapore..., chúng ta không thể thấy cái gọi là “văn hóa giao thông”, bởi lẽ với họ giao thông, cho dù đi bộ hay lái xe, là hành vi xã hội được luật hóa.
Ở đó không có khái niệm nhường nhịn, thông cảm, cố gắng, nỗ lực hay bỏ qua. Nhà nước phải đảm bảo chuẩn hóa tất cả những gì liên quan đến khía cạnh vật chất của giao thông như đường, cầu, hệ thống tín hiệu, vỉa hè, đảm bảo cho người dân thực thi quyền đi lại, còn người dân cứ việc làm đúng với những gì luật định đề ra, bất cứ công dân nào nếu sai thì bị chế tài theo từng mức độ. Đó là xã hội được tổ chức theo chức năng và chuẩn mực cơ học. Khi xã hội có trật tự, lớp lang và minh bạch trong hành vi từ các phía thì không cần kêu gọi đến “thái độ ứng xử văn hóa” trong giao thông, nếu có chăng “văn hóa giao thông” là giúp đỡ trẻ em, người già khi tham gia giao thông.
Ở Việt Nam, do chúng ta còn thiếu nhiều thứ: hệ thống cơ sở hạ tầng như đường vừa thiếu lại vừa yếu về chất lượng, hệ thống quản lý vừa kém lại vừa tiêu cực, hệ thống vận tải hành khách không chỉ yếu mà còn dở. Không ít trường hợp người dân “buộc phải vi phạm Luật giao thông”, chẳng hạn đèn báo xanh đỏ tắt ngấm, xuất hiện “lô cốt” chiếm mặt đường, vào giờ cao điểm mặt đường không đủ cho lưu lượng xe di chuyển. Về phía người dân cũng đang tồn tại một thực trạng là không tôn trọng Luật giao thông, bất kỳ ai, bất kỳ thời điểm nào cũng sẵn sàng vi phạm, và nó phổ biến đến mức trở thành “chuyện thường ngày”.
Hệ quả là ở Việt Nam, thảm họa giao thông đang đe dọa sự tồn vong của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Hằng năm có hơn 12.000 người chết, hàng chục nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người chịu hệ lụy xấu khi mất người thân. Do vậy chúng ta mới cần đến “hành vi văn hóa giao thông” và nó được coi là giải pháp tốt nhất hiện nay.
Trong bối cảnh như thế, hoạt động của nghệ sĩ Thành Lộc lập một trang web kêu gọi mọi người cùng cam kết không vi phạm Luật giao thông là điều thật đáng trân trọng. Bảy hành vi mà Thành Lộc coi là những việc làm nhỏ nhất đề nghị mọi người cùng nhau cam kết không thực hiện bao gồm: đi sai làn đường, bấm còi xe liên tục, chen lấn khi tắc đường, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, leo lề, lái xe sau khi uống rượu bia đã nhận được hưởng ứng nhanh và nhiều của xã hội.
Những nghệ sĩ nổi tiếng và có tư cách tốt có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng, nhận thức và hành động của họ có sức lan tỏa trong xã hội rất lớn đôi khi gây tác dụng nhiều hơn các phong trào được phát động rầm rộ. Chúng ta cần nhiều hơn nữa những “hiệu ứng Thành Lộc” trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, bảo vệ trẻ em, bảo vệ động vật, bảo vệ di sản đô thị. Đó là sự đóng góp cho xã hội của nghệ sĩ chân chính góp phần làm lan tỏa sự tử tế, đẩy lùi làn sóng “tự gây thảm họa”.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần ý thức được rằng “văn hóa giao thông” chỉ nên tồn tại trong giai đoạn quá độ ngắn từ xã hội kém phát triển lên xã hội phát triển, chứ không nên coi nó là chỗ dựa duy nhất để cải thiện chất lượng giao thông, nhất là trong xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật.
NGUYỄN MINH HÒA
Cứ xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm giao thông là sẽ đi vào nền nếp
Trả lờiXóa