Đức Thành
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội người ta thấy xuất hiện không ít những nhà "dân chủ, nhân quyền mạng". Họ tự xem mình là những người có "sứ mệnh" đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Vậy, thực chất quan điểm chính trị của họ là gì?
Trong thế giới hiện đại, dân chủ, nhân quyền (DC,NQ) được xem là giá trị chung của nhân loại. Các dân tộc không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và bản sắc văn hóa đều có đóng góp nhất định vào giá trị chung đó. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn đời sống chính trị quốc tế cho thấy, không có mô hình "chuẩn" về DC,NQ, mà chỉ có những mô hình cụ thể dựa trên những giá trị phổ quát được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế về quyền con người (QCN). Tương tự như quan hệ giữa "cái chung", "cái phổ biển" với "cái đặc thù", "cái đơn nhất" trong triết học, những giá trị phổ quát về DC,NQ chỉ có thể thông qua các mô hình chính trị - xã hội cụ thể để biểu hiện. Nói một cách đơn giản là, DC,NQ có nhiều mô hình, tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, truyền thống và văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thế nhưng, trên mạng xã hội (MXH) hiện nay, có một số tổ chức, cá nhân tự nhận mình là "nhà dân chủ", sùng bái mô hình DC,NQ của phương Tây, coi đó là "chuẩn", là "mặc định". Từ đó, họ ra sức xuyên tạc, vu cáo, phủ nhận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta trên lĩnh vực DC,NQ, nhằm hướng sự phát triển của đất nước ta theo mô hình DC,NQ phương Tây.
Về tư tưởng, các nhà "dân chủ, nhân quyền mạng (DC,NQM)" ra sức phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta. Họ cho rằng: ý thức hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã "lạc hậu, lỗi thời"(!) Họ quy chụp chủ nghĩa Mác là sản phẩm "Từ nhận thức vội vàng, nông nổi, lầm lẫn, cực đoan,... của một trí thức trẻ", hay cốt lõi của chủ nghĩa Mác chỉ là "...học thuyết đấu tranh giai cấp,...",nên việc Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động đã dẫn đến "Bi kịch Việt Nam". Có kẻ còn vu cáo chủ nghĩa Mác là học thuyết luôn đồng nghĩa với khái niệm "bạo lực cách mạng", đồng nghĩa với "chủ nghĩa duy ác",... Tất nhiên, cái mà người ta gọi là "Bi kịch", "bạo lực..." nói trên chỉ là sản phẩm của những người mang hận thù với dân tộc, với đất nước, hoặc chỉ nhìn sự phát triển của đất nước qua lăng kính méo mó với những mặc cảm, mục đích xấu. Chẳng lẽ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" ngày nay, lại là"bi kịch Việt Nam"?
Chúng ta không phủ nhận những sai lầm, khuyết điểm của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo ở những bối cảnh lịch sử cụ thể nào đó và những khó khăn, thách thức của giai đoạn hiện nay. Trong đó, nổi lên là tình trạng tham nhũng, lãng phí và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã thẳng thắn chỉ ra. Nhưng chúng ta cũng cần khẳng định rằng, những hạn chế, yếu kém đó không phải xuất phát từ bản chất của chế độ xã hội ta, của Đảng ta. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nhận thấy nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên và đang có biện pháp khắc phục triệt để. Các nhà "DC,NQM" còn "lập luận" rằng: chủ nghĩa Mác - Lê-nin ra đời từ thế kỷ XIX, đến nay đã lỗi thời; và rằng, "Thế kỷ của chủ nghĩa Mác đã vĩnh viễn kết thúc và lùi xa"(!). Thật ra, những nhận định đại loại như vậy của họ chẳng qua chỉ là sự sao chép bài viết của nhà khoa học chính trị Mỹ Francis Fukuyama: "Sự tận cùng của lịch sử và con người cuối cùng" (The End of History and the Last Man, 1992). Mặc dù bị xuyên tạc, vu cáo, phủ nhận một cách cực đoan, nhưng vượt qua không gian và thời gian, chủ nghĩa Mác vẫn luôn chứng tỏ tính chất khoa học, cách mạng của mình. Đại bộ phận trí thức trên thế giới vẫn xác định C. Mác là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu trên thế giới và chủ nghĩa Mác vẫn là một tư tưởng tiến bộ mà nhân loại có thể vận dụng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhân đây, xin được cung cấp một vài thông tin đánh giá về C. Mác. Năm 1999 (năm cuối cùng của thế kỷ XX), Đại học Cambridge (Anh) đã tổ chức một cuộc thăm dò bình chọn nhà tư tưởng lớn nhất thế kỷ. Kết quả, C. Mác là người được xếp đứng đầu. Bước sang thế kỷ XXI (tháng 7 - 2005), với câu hỏi tương tự, trong một cuộc thăm dò ý kiến của Chương trình "Thời đại chúng ta" (In Our Time) trên kênh Radio 4 của BBC, kết quả cho thấy, C. Mác vẫn là người đứng đầu trong các "nhà tư tưởng ưa thích", v.v.
Cùng với việc xuyên tạc, vu cáo, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, các nhà "DC,NQM" luôn sùng bái CNTB. Họ cho rằng: "nhờ có khoa học - công nghệ hiện đại mà ngày nay CNTB đã trở nên... văn minh, không còn bóc lột nữa...; không còn những ông chủ làm giàu bằng bóc lột" (!) Phải chăng như vậy? Thiết nghĩ, câu hỏi này hãy để cho những người tham gia phong trào "Chiếm phố Wall" năm 2012 ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới trả lời hộ. Nếu là người có đôi chút hiểu biết về CNTB ngày nay, chắc hẳn họ phải biết đến khái niệm "homeless" (người vô gia cư). Khái niệm này ra đời ở chính các nước tư bản phát triển. Hiện nay, những người vô gia cư ở Mỹ, Anh, Nhật, Pháp,... vẫn hằng ngày đi tìm công ăn việc làm, thậm chí phải xin ăn, tối đến về ngủ trong hộp carton mục nát ở các công viên hoặc những ngõ, hẻm nào đó. Cũng cần nhắc lại rằng, những quốc gia có tình trạng nêu trên có thu nhập bình quân đầu người rất cao. Tuy nhiên, sự phân phối của cải ở các quốc gia này đã dẫn tới sự phân cực giàu - nghèo theo tỷ lệ: người giàu chỉ chiếm 1% dân số, nhưng nắm tới 99% của cải xã hội; còn những người nghèo chiếm 99% dân số còn lại, thì chỉ được hưởng 1% của cải xã hội. Câu trả lời thiết tưởng đã rõ ràng!
Về chính trị, các nhà "DC,NQM" ra sức vu cáo chế độ ta là "độc quyền Đảng trị", xã hội ta là "ngục tù",... Họ phủ nhận sự lãnh đạo xã hội và Nhà nước của Đảng đã được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 1992. Trong dịp Nhà nước ta tổ chức lấy ý kiến toàn dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, họ "kiến nghị" với Quốc hội phải "thực hiện cạnh tranh chính trị, xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 1992, thực hiện "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập"; rồi "gợi ý": "Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước" và Quốc hội nên "tham khảo" mô hình chế độ xã hội và thể chế nhà nước theo "Chế độ Cộng hòa tổng thống; có thượng nghị viện, hạ nghị viện cùng với các nghị sĩ"(?) Ai cũng biết, cái gọi là "ý kiến", "gợi ý" đó là phủ nhận chế độ chính trị hiện hữu, chuyển xã hội ta sang mô hình dân chủ tư sản, "tam quyền phân lập" theo kiểu phương Tây. Thiết nghĩ, đối với các chế độ xã hội, các nhà nước trên thế giới, không ai có quyền phê phán nếu đó là chế độ xã hội do nhân dân tự do lựa chọn. Đối với chúng ta, sự áp đặt, hoặc sao chép một mô hình chế độ xã hội nào đó là không thể chấp nhận và điều đó cũng không phải là bản lĩnh của dân tộc ta. Nhất là, khi Đảng ta, qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng đã được quảng đại quần chúng nhân dân coi là đảng của mình; chế độ ta - chế độ XHCN đã được Đảng, Bác Hồ và nhân dân lựa chọn, dựng xây và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là con đường phát triển duy nhất đúng. Những đòi hỏi, "gợi ý" thực hiện "đa nguyên, đa đảng đối lập", áp đặt chế độ chính trị theo kiểu phương Tây, vì thế chỉ là ảo tưởng.
Đọc thêm »
Bản chất của các thế lực thù địch là không thay đổi; chúng cổ súy cho đa nguyên, đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải nhận diện và đấu tranh chống lại bọn chúng.
Trả lờiXóaBạn nói rất chính xác, tôi hoàn toàn ủng hộ
Xóa